Biểu tượng Samurai và tinh thần võ sĩ đạo trong văn hóa Nhật Bản
23/08/2022
“Nếu là hoa xin là hoa anh đào – Nếu là người xin làm người võ đạo”. Câu nói nổi tiếng này phần nào thể hiện tính cách của người dân “xứ Phù Tang”. Nếu hoa anh đào là biểu tượng của đất nước Nhật Bản thì tinh thần võ đạo chính là nét tính cách nổi bật của người dân xứ này.

1. Samurai là ai? Lịch sử của Samurai.

Samurai – từ gốc là “saburau” – có nghĩa là những người bảo vệ, phục vụ, trông coi – nhưng mang tính chất quyền quý và được nhiều người nể sợ. Hiểu theo cách thông thường, Samurai là tầng lớp võ sĩ cao cấp ở Nhật Bản, được đào tạo như một chiến binh và có những kỹ năng chiến đấu vượt trội.

Samurai thường chỉ phục vụ cho daimyo (lãnh chúa) hay các đại tướng. Các samurai trung thành tận tâm tuyệt đối dù có phải chết. Người Samurai tôn thờ tinh thần võ sĩ đạo – hệ thống luân lý đề cao danh dự của người Nhật.



Dưới thời phong kiến, Nhật Bản là quốc gia có đến 20% là đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến những cuộc chiến tranh chấp đất nông nghiệp giữa các bộ tộc. Từ những cuộc chiến này, tầng lớp Samurai ra đời nhằm mục đích bảo vệ, phục vụ các tầng lớp như chủ đất để tranh đoạt đất đai. Đổi lại, họ được nhận đất và chức vụ theo năng lực cống hiến.
 
Tầng lớp Samurai được biết đến nhiều hơn từ cuộc chiến tranh giành đất đại giữa 3 bộ tộc lớn là Minamoto, Taira và Fujiwara. Tuy nhiên đến năm 1876 Hoàng đế Minh Trị( Meiji) đã ban hành lệnh phế đao, các samurai mất đi quyền mang kiếm và nghề nghiệp của mình, sau gần 1000 năm tồn tại họ đã mất đi vị trí đặc biệt trong xã hội Nhật Bản.

2. Trang phục và vũ khí của Samurai Nhật Bản.

2.1. Trang phục của Samurai Nhật Bản.

Trang phục thường được các Samurai Nhật Bản khoác lên người chính là Kimono. Khác với sự cầu kỳ của các bộ Kimono truyền thống, trang phục dành cho các võ sĩ chỉ gồm hai lớp và cắt giảm hầu hết các chi tiết rườm rà. Trong chiến đấu, Samurai thường mặc áo giáp với trọng lượng khoảng 15 – 20kg, cùng với đó là những hoa văn thể hiện khí chất mạnh mẽ của tinh thần võ sĩ đạo khi xông pha chiến trận.



2.2. Vũ khí của Samurai Nhật Bản.

Thanh kiếm Katana là vũ khí chính và đặc trưng nhất của các Samurai Nhật Bản, sở hữu chiều dài khoảng 60cm, tay cầm được thiết kế vừa vặn nhằm đảm bảo sự thoải mái cho các võ sĩ trong quá trình chiến đấu. Trong khi đó, Odachi được biết đến là loại trường kiếm thường được các Samurai sử dụng để tấn công tầm xa lúc cưỡi ngựa.



Nếu Katana được xem là vũ khí chính trong chiến đấu thì Wakizashi được tôn là thanh kiếm danh dự của các Samurai Nhật Bản. Bên cạnh Wakizashi, dao găm Aikuchi cũng được xem là loại đoản kiếm đại diện cho danh dự của các nữ Samurai, thường được trang bị bên người với mục đích phục vụ việc tự sát để bảo toàn danh dự và trinh tiết của bản thân.

3. Biểu tượng Samurai và tinh thần võ sĩ đạo trong văn hóa Nhật Bản.

3.1. Biểu tượng Samurai gắn liền với hoa anh đào.

Người Samurai – võ sĩ đạo của Nhật chọn bông hoa anh đào làm biểu tượng của mình. Họ nguyện một đời hiến thân cho dân tộc, chiến đấu và hi sinh một cách cao đẹp. Họ không sợ hãi trước cái chết, coi cái chết nhẹ tựa như những cánh anh đào trong gió. Cái chết với họ nhẹ nhàng và bình thản, như một quy luật tất yếu của tự nhiên. Hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, khiêm nhường và nhẫn nhịn của người võ sĩ đạo.

3.2. Tinh thần trượng võ của các Samurai Nhật Bản.

Không chỉ có tinh thần mạnh mẽ của hoa anh đào, người võ sĩ đạo Samurai cũng là những người trượng võ và trung thành tuyệt đối. Đặc biệt, người Samurai không sống vì mình. Tính sẵn sàng hy sinh được đặt lên hàng đầu “Chúng ta không chết bình lặng mà chúng ta sẽ chết bên cạnh chủ soái của chúng ta. Nếu đi trên biển, đại dương sẽ là mồ chôn chúng ta. Nếu đi trên núi, cây cỏ sẽ phủ ngực chúng ta.” Đó là nguyên tắc mà bất cứ samurai nào cũng phải biết tới.



3.3. Nguyên tắc đạo đức của Samurai Nhật Bản.

Phần lớn samurai gắn liền với quy tắc danh dự gọi là võ sĩ đạo và luôn là những người làm gương cho cấp dưới. Một người Samurai cần tuân thủ theo 7 nguyên tắc đạo đức sau: Công lý (義 Gi) - Nhân từ (仁 Jin) - Can đảm (勇 Yu) - Tôn trọng (礼 Ray) - Sự chân thành ( 誠 Makoto) - Danh dự  (名誉 Meyё) - Tận tâm ( 忠義 Chugi). 

3.4. Bushido: biểu tượng danh giá của Samurai.



Đức tính đầu tiên cần thiết của một samurai là phải trung thành tuyệt đối với lãnh chúa của mình. Tuy vậy, trung thành cũng mang đến sự cực đoan. Các chiến binh sẽ chiến đấu tới chết để bảo vệ chủ nhân của mình, thậm chí là tự tử nếu họ cảm hổ thẹn với chủ nhân. Samurai cũng có nhiệm vụ báo thù. Họ sẽ tìm người để báo thù nếu danh dự của chủ nhân bị tổn hại hoặc chủ nhân của họ bị sát hại.

3.5. Seppuku – nghi thức đáng sợ của Samurai.

Đối với các Samurai, danh dự là điều quý giá nhất. Và Samurai sẽ tự sát nếu nhiệm vụ thất bại, hay vi phạm tinh thần Bushido.Tự sát không chỉ là một hành động, nó đã trở thành nghi thức được gọi là seppuku hay thô tục hơn là hara-kiri. Seppuku là cách một samurai khôi phục lại danh dự của mình đối với chủ nhân và gia đình. Đây xem như nghĩa vụ trung thành khi Samurai đó thất bại.

3. Lễ hội Samurai ở Nhật Bản.



Hàng năm, vào độ hoa anh đào nở rộ nhất, người Nhật sẽ tổ chức lễ hội Samurai để tưởng nhớ đến người võ sĩ đạo. Lễ hội này có quy mô lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia của hơn 1000 người đến từ các tỉnh khác nhau. Họ cùng nhau mặc những bộ cổ phục Samurai thời Chiến Quốc, và tụ tập tại lâu đài Maizuru.

Hy vọng bài viết này có thể chia sẻ một số thông tin hữu ích về một phần văn hóa và lịch sử của người Nhật đến với bạn đọc.
Bài viết liên quan
Để có thể hỗ trợ bạn tốt hơn, chúng tôi cần một vài thông tin về bạn!