Obon (hay Bon) được xem như là lễ vu lan của Nhật, vì mang ý nghĩa Phật giáo tương tự như lễ Vu lan ở Việt Nam (lễ xá tội Vong Nhân) đều là để tri ân, tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Vào những ngày này, những người con ở xa về thăm cha mẹ ông bà, để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đi viếng mộ những người thân. Vì vậy lễ Obon cũng là dịp gia đình đoàn tụ quay quần bên nhau trong một kỳ nghỉ lễ dài.
Lễ hội Obon xuất hiện tại Nhật từ hơn 500 năm trước. Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về một đệ tử nhà Phật có tên Mokuren (Mục Kiền Liên). Theo truyền thuyết, ông là người đã tu luyện nhiều năm và có nhiều pháp thuật. Vì quá tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình, ông sử dụng pháp lực để tìm lại mẹ khắp nơi. Khi thấy mẹ mình bị đày xuống địa ngục và chịu nhiều đau khổ do nghiệp ác và những điều ít kỉ mà bà tạo nên khi còn sống, Mokuren tìm đến Đức Phật để hỏi cách giải thoát cho bà. Đức Phật nói rằng Mokuren phải mang đồ lễ cúng các nhà tu vào ngày 15 tháng 7. Ông thực hiện theo giúp đỡ của Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đó. Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Mokuren vì quá vui mừng nên đã nhảy múa .Từ đó, sự tích này trở thành một tục lệ. Người dân hàng năm tổ chức Obon để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên, còn điệu múa trong lễ hội được gọi là Bon Odori. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để đoàn tụ gia đình và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
2. Lễ hội Obon được tổ chức khi nào?
Tùy từng khu vực mà thời điểm diễn ra lễ hội có thể khác nhau, nhưng đa số sẽ tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8. Ở một số khu vực, đặc biệt là ở Kanto, lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng Bảy. Điều này là do trước đây Nhật Bản sử dụng lịch Âm theo Trung Quốc trước khi chuyển sang Dương lịch vào năm 1873.
Trước khi áp dụng hệ thống lịch mới, sớm hơn khoảng 1 tháng so với lịch Âm, Obon thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy Âm lịch (giống với lễ Vu lan ở Việt Nam). Tuy nhiên, sau khi chuyển sang lịch Dương, người ta thường tổ chức lễ Obon vào tháng Tám, bởi khoảng thời gian đó sẽ rơi vào khoảng tháng Bảy Âm lịch, gần với thời điểm lễ Obon được tổ chức trước đây.
2. Những điểm đặc trưng trong lễ hội Obon.
2.1. Đón và tiễn linh hồn trong lễ hội Obon.
Tương tự như ngày lễ vu lan ở Việt Nam, ngày lễ Obon của Nhật Bản cũng phải đón các linh hồn về nhà và lễ tiễn linh hồn trở lại âm phủ. Tuy lễ Obon được diễn ra vào ngày 15 nhưng thường ngày 13 sẽ là ngày mà các gia đình đốt lửa (đốt đuốc) để giúp các linh hồn tìm được đường trở về nhà. Ngày 14 và 15, linh hồn sẽ ở lại nhà và được người nhà dâng lên các đồ cúng là các món ăn truyền thống. Ngày 16, các gia đình sẽ dâng lên bánh Okuridango để tiễn linh hồn trở về âm phủ. Vào ngày 16, người ta cũng thực hiện đốt lửa giống như như ngày 13 để tiễn linh hồn.
2.2. Dâng lửa soi đường cho linh hồn.
Việc dâng lửa soi đường cho linh hồn trở về nhà là phong tục mà bất kỳ gia đình nào cũng sẽ làm trong lễ hội Obon. Người ta sẽ đốt đuốc ở trong vườn hoặc cài trước cổng để dẫn đường cho linh hồn trở về. Một số vùng thậm chí còn tổ chức những lễ dâng lửa với quy mô rất lớn. Điển hình về lễ dâng lửa soi đường có lẽ phải kể đến lễ dâng lửa ở Kyoto. Năm đám lửa lớn sẽ được đốt lên biểu trưng cho lễ dâng lửa của ngày Obon. Mỗi đám lửa sẽ thể hiện một chữ và được đốt trên sườn núi tạo thành một chữ bằng lửa khổng lồ có thể chiêm ngưỡng được từ xa. Năm chữ được đốt trong lễ hội Obon ở Kyoto là chữ Đại, Diệu, Pháp, Thuyền (trong số 5 chữ có 2 chữ Đại được đốt cùng 3 chữ khác tạo thành 5 chữ).
2.3. Bon Odori – điệu múa của ngày lễ Obon.
Trong lễ hội Bon, rất nhiều nơi đều tổ chức thành các lễ hội lớn và trong lễ hội người ta tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn nhưng không thể thiếu được điệu múa Bon Odori. Theo truyền thuyết, Mokuren khi biết linh hồn của mẹ đã được siêu thoát ông đã quá vui mừng và nhảy múa. Điệu múa đó được người ta truyền lại và gọi là Bon Odori. Chính vì thế, Bon Odori là điệu múa đặc trưng thể thiếu trong lễ hội Obon.
2.4. Nghi thức thả thuyền giấy trong lễ hội Obon.
Nghi thức thả thuyền giấy (Toro Nagashi) trong lễ hội Obon là nghi thức kết thúc lễ hội. Những chiếc thuyền giấy nhỏ bên trong được thắp nến sẽ được thả ở các con sông với mục đích tiễn đưa linh hồn trở về. Những ngọn nến bên trong thuyền có ý nghĩa giống như việc dâng lửa để tiễn linh hồn trở về nơi thuộc về họ. Một số nơi, khi nghi thức thả thuyền giấy được diễn ra cũng là lúc những màn pháo hoa rực rỡ được bắt đầu để báo hiệu kết thúc lễ hội Bon Matsuri.
Với ý nghĩa về lòng hiếu thảo và có nguồn gốc lịch sử lâu đời, lễ hội Obon ở Nhật Bản là một trong những lễ hội lớn được người Nhật rất coi trọng. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội này, hãy thử đến Nhật Bản và trải nghiệm không khí lễ hội trong những ngày diễn ra lễ hội nhé. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm khiến bạn hiểu hơn về phong tục của đất nước Nhật Bản đấy.